Lịch sử hình thành và phát triển

Tháng 7 năm 1956 Khoa Hóa-Thực phẩm là một trong những Khoa được thành lập đầu tiên của Trường Đại học Bách Khoa Hà nội. Những cán bộ đầu tiên của Khoa như thầy Đào Quý Chiệu, Phạm Ngọc Thanh, Trần Văn Sinh, Kiều Dinh, Phạm Quốc Thăng, Phạm Đồng Điện, Lê Chúc, Hoàng Trọng Yêm, Lê Mậu Quyền, Nguyễn Đình Chi, Trần Bính, Nguyễn Trọng Biểu, Nguyễn Hoa Toàn, Nguyễn Văn Ích, Hồ Hữu Phương, Lê Văn Nhương, Lê Ngọc Tú, Lê Ngọc Chương, Cù Thành Long, Hoàng Văn Thư, Trần Đăng Nghi… chính là lực lượng nòng cốt trong giảng dạy và cũng là những người đặt nền móng xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình cho sinh viên khóa 1 và những khóa tiếp theo.

15/10/1956, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã tổ chức lễ khai giảng khóa 1, Khoa Hóa-Thực phẩm có 184 sinh viên và rất nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học đầu ngành có uy tín cao ở cả trong và ngoài nước. Như các thầy Phạm Hữu Đỉnh, La Văn Bình, Trần Vĩnh Diệu, Đỗ Văn Bá, Đào Văn Tường, Trần Xoa, Nguyễn Trọng Khuông, Đỗ Văn Đài, Nguyễn Thế Dân, Nguyễn Vịnh Trị, Bùi Văn Chén, Trần Công Khanh, Lê Thức, Nguyễn Đăng Hùng, Đặng Văn Luyến, Trần Quang Thảo, Trương Ngọc Liên, Phạm Kỳ…

Giai đoạn 1956 – 1965, Khoa hình thành các Bộ môn Cơ bản, Cơ sở và Chuyên ngành: Hóa Lý, Hóa Phân tích, Hóa Hữu cơ, Hóa Vô cơ-Đại cương, Kỹ thuật Vô cơ-Silicat, Kỹ thuật các chất Hữu cơ, Máy hóa-Hóa công.

Giai đoạn 1965-1975 (kháng chiến giải phòng miền Nam)
Do chiến tranh leo thang nên đại bộ phận cán bộ và sinh viên Trường cùng công cụ học tập đã di chuyển lên khu sơ tán Lạng Sơn. Năm 1967, Bộ môn Thực phẩm tách ra thành lập Trường Đại học Công nghiệp nhẹ. Năm 1969 Khoa chuyển dần về vùng đồng bằng và Hà Nội. Năm 1972 chiến sự ác liệt trở lại, Khoa Hóa 1 lần nữa sơ tán lên huyện Phú Xuyên, Hà Tây (cũ) sau đó là Huyện Hiệp Hòa, Hà Bắc. Trong suốt 10 năm khó khăn gian khổ này khoa vẫn giữ vững quy mô tuyển sinh, không ngừng trưởng thành về chất lượng dạy và học. Biên soạn nhiều giáo trình, tiến tới mục tiêu đào tạo Kỹ sư Hóa học, nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và chiến đấu như: sản xuất than hoạt tính, chất phát quang, xi măng lò đứng, mạ nhôm, phân lân nung chảy…

Thời kỳ đổi mới
Giai đoạn 1975-1995: Trong thời gian này đội ngũ cán bộ của Khoa đông về số lượng, mạnh về chất lượng nhưng theo yêu cầu chung, Khoa phải chia sẻ bộ phận cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy có năng lực chuyên môn để xây dựng các trường Đại học phía Nam như Trường Đại học Huế, Đà nẵng, Bách Khoa Hồ Chí Minh, Kỹ thuật Thủ Đức, Cần Thơ.

Năm 1980, thầy Trần Minh Hoàng và Bùi Long Biên là những cán bộ giảng dạy đầu tiên của Khoa bảo vệ thành công luận án Phó Tiến Sỹ (nay là Tiến Sỹ) và năm 1991 thầy Từ Văn Mặc là cán bộ đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến Sỹ (nay là Tiến Sỹ Khoa học) tại Trường Đại học Bách Khoa Hà nội.

Một số Phòng thí nghiệm chuyên đề cũng được thành lập như Phòng thí nghiệm chuyên đề Silic (1976); nguyên tố hiếm và phóng xạ (1973), Trung tâm nghiên cứu Vật liệu Vô cơ (1990). Tháng 10/1977, Bộ môn Xenluloza & Giấy của Khoa Kỹ thuật thực phẩm (Trường Đại học Công nghiệp nhẹ) nhập vào Bộ môn Công nghiệp Hóa học của Khoa, đồng thời Khoa cũng mở thêm 1 số ngành mới lần đầu tiên ở Việt Nam: Công nghệ In và gia công ấn phẩm, Công nghệ khai thác muối biển. Lúc này Khoa có các Bộ môn: Hóa lý, Hóa Phân tích, Hóa Hữu cơ cơ bản, Hóa Vô cơ-Đại cương, Nguyên lý Quá trình và Thiết bị trong Công nghệ Hóa học, Kỹ thuật các chất Vô cơ, Kỹ thuật Điện hóa, Kỹ thuật Vật liệu Silicat, Kỹ thuật Vật liệu cao phân tử, Kỹ thuật Tổng hợp Hữu cơ, Kỹ thuật Nhiên liệu, Máy và Thiết bị Công nghiệp Hóa chất.

Năm 1984, thành lập Khoa Hóa-Thực phẩm trên cơ sở Khoa Hóa và Khoa Công nghiệp Thực phẩm gồm có 6 Bộ môn lớn: Bộ môn Hóa cơ bản (Hóa lý, Phân tích, Vô cơ-Đại cương); Bộ môn Quá trình-Thiết bị Công nghệ Hóa học (Hóa công, Công nghiệp Hóa học, Máy hóa chất, Máy thực phẩm), Bộ môn Kỹ thuật các chất Vô cơ (Xây dựng công nghiệp, Kỹ thuật các chất Vô cơ, Điện hóa, Kỹ thuật Silicat), Bộ môn Kỹ thuật các chất Hữu cơ (Tổng hợp Hữu cơ, Hữu cơ cơ bản, Cao phân tử, Nhiên liệu), Bộ môn Hóa sinh-Vi sinh, Bộ môn Công nghệ Thực phẩm.

Năm 1987, Bộ môn Cao phân tử tách ra thành lập Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polyme-Compozit.

Từ 1995 tới nay: Để đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ đổi mới, phấn đấu xây dựng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội trở thành “Trung tâm Đào tạo, NCKH và CGCN chất lượng cao, đa ngành đa lĩnh vực với một số ngành mũi nhọn đạt trình độ tiên tiến”, nhà trường đã sắp xếp, cơ cấu lại Khoa thành Khoa công nghệ Hóa học-Thực phẩm-Sinh học với 220 cán bộ, viên chức gồm 15 Bộ môn: Hóa lý, Hóa Phân tích, Hóa Hữu cơ, Hóa Vô cơ-Đại cương, Công nghệ Vô cơ, Công nghệ Vật liệu Silicat, Công nghệ Điện hóa và Bảo vệ kim loại, Quá trình và Thiết bị Công nghệ Hóa-Thực phẩm, Công nghệ Hóa học, Máy hóa và Máy thực phẩm, Công nghệ Sinh học Thực phẩm, Công nghệ Lương thực Thực phẩm, Công nghệ Thực phẩm nhiệt đới. Công tác đào tạo với số sinh viên chính quy là 1200, cao đẳng là 1100, cao học: 70, nghiên cứu sinh: 30. Liên kết đào tạo với Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Mở thêm ngành mới, môn học mới như Kỹ sư Công nghệ Hóa lý, môn Tin học ứng dụng trong Hóa học, tiếng Anh chuyên ngành.

Năm 1995, từ Khoa tách ra thành lập 2 Trung tâm: Trung tâm Nghiên cứu Ăn mòn và Bảo vệ Kim loại và Trung tâm Khoa học Công nghệ Môi trường (sau là Viện Khoa học và công nghệ Môi trường).
Năm 1999, 3 Bộ môn Công nghệ Sinh học Thực phẩm, Công nghệ Lương thực Thực phẩm, Công nghệ Thực phẩm nhiệt đới tách khỏi Khoa và cùng Trung tâm Công nghệ Sinh học thành lập Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm.

Tháng 7/1999 thành lập Khoa Công nghệ Hóa học với 12 Bộ môn: Hóa lý, Hóa Phân tích, Hóa Hữu cơ, Hóa Vô cơ-Đại cương, Công nghệ Vô cơ và In, Công nghệ Vật liệu Silicat, Công nghệ Điện hóa và Bảo vệ kim loại, Công nghệ Hữu cơ-Hóa dầu, Công nghệ Hóa học, Xây dựng Công nghiệp, Quá trình-Thiết bị Công nghệ Hóa học và Thực phẩm, Máy và Thiết bị Hóa chất dầu khí.

Năm 2003, do yêu cầu phát triển, Khoa giải thể Bộ môn Công nghệ Hóa học thành lập Bộ môn Công nghệ In và năm 2006, tách nhóm Xenluloza & Giấy và nhóm Hóa dược-Hóa chất bảo vệ thực vật từ Bộ môn Công nghệ Hữu cơ-Hóa dầu để thành lập các Bộ môn độc lập.

Hiện nay Khoa quản lý khoảng 1800 sinh viên hệ đại học chính quy, ngoài ra còn đào tạo các lớp tại chức, liên kết đào tạo cùng các trường đại học khác với 11 mã ngành, đào tạo sau đại học khoảng 300 học viên. Đã xây dựng xong chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ để áp dụng cho K52. Quan hệ quốc tế được mở rộng với các nước như Bỉ, Hà Lan, Áo, Nga, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v…

Từ tháng 7-1999 đến 4-2019, trên cơ sở các nhóm ngành Hoá học hình thành Khoa Công nghệ Hoá học gồm 14 Bộ môn và 01 Phòng thí nghiệm Công nghệ Lọc Hoá dầu & Vật liệu Xúc tác. Trong hơn 50 năm qua, Khoa Công nghệ Hoá học đã đào tạo được trên 12000 Kỹ sư, trên 400 Thạc sỹ và Tiến sỹ,  02 Tiến sỹ Khoa học. Một số cán bộ trong Khoa đã được phong tặng các danh hiệu cao quý, gồm 2 danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, 24 danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, 9 chức danh Giáo sư, 43 Phó Giáo sư. Khoa đã biên soạn được nhiều bài giảng, giáo trình dùng cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc ngành Hoá học, Kỹ thuật Hóa học của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng như các trường đại học khác.

Trong 5 năm từ 2004 tới 2009, Khoa đã thực hiện trên 30 đề tài nghiên cứu Khoa học Cơ bản cấp Nhà nước, 80 đề tài cấp Bộ, 161 đề tài cấp Trường, 11 dự án hợp tác với Vương quốc Bỉ (VLIR), 8 dự án ươm tạo công nghệ, 4 Nghị định thư với Ý, Nhật, Bỉ, Đan Mạch,  và nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của Khoa đã đạt được các giải thưởng VIFOTEC, giải thưởng Khoa học Kỹ thuật Thanh niên. Khoa đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều Trường Đại học, Viện nghiên cứu và các Tập đoàn lớn trong nước cũng như trên thế giới.

Ngày 29 tháng 12 năm 2010, theo quyết định số 2517/QĐ-ĐHBK-TCCB của Hiệu trưởng Trường ĐHBK HN, Viện Kỹ thuật Hóa học đã được chính thức thành lập trên cơ sở Khoa Công nghệ Hóa học.

Từ tháng 4-2019 tới nay, theo định hướng phát triển chung của Đại học Bách Khoa Hà Nội, Viện Kỹ thuật Hóa học đã cơ cấu lại bộ máy tổ chức với 4 Bộ môn Khoa học, 9 Bộ môn Công nghệ và 3 Trung tâm nghiên cứu

Công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là thế mạnh của Viện trước đây cũng được phát  triển mạnh trong giai đoạn này. Ngoài các đề tài nghiên cứu  khoa học  cấp Trường, cấp Bộ, nhiều  Thầy Cô còn tham gia làm  chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước cũng như Nghị định thư và hợp tác quốc tế (gồm các nước: Áo, Đức, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, các đề tài VLIR  -  Vương quốc Bỉ, dự án ESCANBER hợp tác với Trường Đại học Kỹ thuật Nagaoka - Nhật Bản…). Chỉ từ 2011 -2016, Viện đã thực hiện 22 đề tài cấp Nhà nước, 02 đề tài Nghị định thư & HTQT, 38 đề tài cấp Bộ, 03 đề tài cấp Thành phố, 97 đề tài cấp Trường và nhiều đề tài, dự án với nước ngoài với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. Nghiên cứu khoa học đã  hỗ trợ nâng cao chất lượng đào  tạo đại học và sau đại học với kết quả  trong 5 năm gần đây là 1069 kỹ sư cử nhân, 414 thạc sỹ, 73 tiến sỹ đã tốt nghiệp; công bố 168 bài báo quốc tế ISI và 579 bài báo quốc gia ISSN. 

© by chemeng.hut.edu.vn


In bài này   Gửi Email bài này