3

Người tốt nghiệp Ngành Kỹ thuật Hóa học có thể là Cử nhân Kỹ thuật hóa học và Kỹ sư Kỹ thuật Hóa học (CH1; CH-E11), còn người tốt nghiệp ngành Hóa học sẽ là Cử nhân Hóa học (CH2). Vậy sự khác biệt của những Ngành này là gì?

Cử nhân là những người đạt trình độ nhất định, có thể hành nghề theo lĩnh vực chuyên môn và liên quan. Bằng Cử nhân Đại học được cấp cho những người được đào tạo về lĩnh vực Kinh tế, Xã hội, Khoa học cơ bản (Toán, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, …). Người học nếu tham gia chương trình tích hợp 4+1.5 sẽ có thể nhận bằng Thạc sỹ.

Kỹ sư là người đạt trình độ nhất định (nhưng sâu rộng hơn so với Cử nhân cùng ngành), có thể hành nghề theo lĩnh vực chuyên môn và liên quan. Bằng Kỹ sư được cấp cho những người được đào tạo về lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ. Nếu như Cử nhân là những người sẽ làm việc trong các lĩnh vực phục vụ xã hội, thì Kỹ sư là những người sẽ làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ kỹ thuật. Kỹ sư hóa học có vai trò như cầu nối: biến các nghiên cứu công nghệ trong phòng thí nghiệm trở thành những dây chuyền sản xuất trong nhà máy, xí nghiệp, tạo ra những vật phẩm quen thuộc hàng ngày.

Trên thực tế, Cử nhân hay Kỹ sư đều có thể học tập nâng cao, phát triển bản thân, thành những người đứng đầu, chuyên gia, những người uyên thâm  trong lĩnh vực chuyên môn được đào tạo hoặc liên quan, cũng có thể trở thành những nhà quản lý, lãnh đạo, nhà khoa học, doanh nhân hay thậm chí là nghệ nhân hay nghệ sĩ, tùy thuộc vào những trải nghiệm cuộc đời, kinh nghiệm nghề nghiệp và năng lực bản thân, cũng như nhiều yếu tố “đưa đẩy” khác! Những kiến thức và kỹ năng đã được đào tạo trong Trường Đại học, đều trực tiếp và gián tiếp tạo nên nghề nghiệp và năng lực cho mỗi người.

KỸ THUẬT HÓA HỌC là lĩnh vực ứng dụng các tính chất của nguyên tố/hợp chất hóa học; các phản ứng, quá trình, quy luật và nguyên lý, …, của Hóa học, kết hợp với những khoa học cơ bản khác (Toán học, Vật lý, Sinh học), để sản xuất ra sản phẩm hữu ích, mà có thể là sản phẩm tiêu dùng (như phân bón, hóa chất, dược phẩm, xăng-dầu, khí đốt, giấy, sơn, cao su, xi măng, gốm sứ, thủy tinh, pin, ắc quy, …), hoặc làm nguyên liệu của nhiều ngành công nghiệp khác (như dầu mỏ, hóa chất, dược phẩm, giấy, thủy tinh, kỹ thuật In …), để sản xuất ra các sản phẩm khác nhau, phục vụ nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh đó, Kỹ thuật hóa học còn bao gồm cả lĩnh vực thiết kế, vận hành hệ thống công nghiệp, thiết bị máy móc của ngành và các ngành liên quan. Kỹ sư/Cử nhân Kỹ thuật hóa học, sẽ là người không chỉ được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên môn, mà còn phải được tiếp cận hoặc tham gia vào các quá trình sản xuất sản phẩm của ngành tại các doanh nghiệp.

HÓA HỌC là lĩnh vực khoa học cơ bản. Một phần của Hóa học là nền tảng tạo nên các ngành Kỹ thuật Hóa học. Hóa học tập trung vào tìm hiểu sâu và mở rộng về các tính chất hóa học và tính chất vật lý của các nguyên tố và hợp chất hóa học; đặc trưng của các phản ứng, quá trình hóa học và tác dụng, ứng dụng của chúng đối với con người, động thực vật và các hệ sinh thái, các lĩnh vực công nghiệp, môi trường và đời sống xã hội, để từ đó phát triển công nghệ và kỹ thuật trên nền tảng hóa học, bảo vệ môi trường sống, con người và hành tinh, khám phá vũ trụ bao la. Bên cạnh đó, hóa học còn bao gồm cả lĩnh vực biến tính, tổng hợp, phân tích hay xác định tính chất của các hợp chất hóa học, thử nghiệm sản phẩm hay quá trình hóa học, để phát huy tác dụng và phát triển ứng dụng các nguyên tố và hợp chất hóa học, ngăn chặn và phòng ngừa tác hại của hóa chất, nâng cao hiệu quả phát hiện và chuẩn đoán những vấn đề liên quan đến hóa học, đánh giá chất lượng sản phẩm và cải tiến hay áp dụng các quá trình/công nghệ mới vào sản xuất.

1 2

MỐI LIÊN HỆ GIỮA NGÀNH KỸ THUẬT HÓA HỌC VÀ HÓA HỌC?

Mặc dù có một vài điểm khác nhau trong tính chất công việc nhưng tựu chung lại, cả 2 ngành Kỹ thuật hóa học và Hóa học đều là 2 lĩnh vực chính yếu của ngành Hóa và giữa chúng có mối liên hệ mật thiết không thể tách rời. Nếu như không có những nhà nghiên cứu chuyên sâu các hợp chất trong phòng thí nghiệm thì sẽ không có cơ sở lý thuyết cho các kỹ sư hóa học áp dụng vào thực tiễn, và nếu như không có các kỹ sư hóa học thì các hợp chất trong phòng thí nghiệm sẽ chỉ là những lý thuyết suông, không đóng góp được cho sự phát triển của khoa học, kỹ thuật nhân loại.

                                    3

Như vậy, về mục tiêu Cử nhân/Kỹ sư KTHH được đào tạo để làm việc trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, còn Cử nhân Hóa học được đào tạo để làm việc trong lĩnh vực giảng dạy, đào tạo, phân tích, giám định, nghiên cứu, … Vậy nhưng, họ đều có thể thế chỗ lẫn nhau, tùy thuộc vào vị trí làm việc, sự phù hợp, nguyên vọng và khả năng phát triển bản thân của mỗi người. Họ có thể có những môi liên hệ mất thiết với nhau cả về chuyên môn lẫn công việc. Hơn nữa, trong một môi trường đào tạo có cùng những ngành đào tạo như trên, tại Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, khi các giảng viên có thể tham gia giảng dạy cả hai ngành đào tạo, sự phối kết hợp và giao lưu trong quá trình học tập của sinh viên, sẽ là một sự thuận lợi lớn để tiếp thu chuyên môn và phát triển bản thân, hợp tác trong sự nghiệp sau khi tốt nghiệp.

TIN MỚI NHẤT