TIN TỨC
Điện hóa và bảo vệ kim loại là gì?
Điện hóa (Mã Tuyển sinh: CH1) thực chất là một nhánh của Hóa lý nghiên cứu mối quan hệ giữa điện (như một hiện tượng có thể đo lường và định lượng) và sự thay đổi hóa học có thể xác định được. Trong đó, mà sự thay đổi về điện có thể chuyển hóa thành sự thay đổi về hóa học hoặc ngược lại. Do đó, điện hóa học liên quan đến sự tương tác giữa năng lượng điện và thay đổi hóa học. Hay nói cách khác, về cơ bản điện hóa là ngành học có liên đến phản ứng oxi-hóa khử trong lĩnh vực HÓA HỌC, và hiểu một cách cơ học thì ĐIỆN HÓA = ĐIỆN + HÓA, tức là một ngành học có liên quan đến cả lĩnh vực ĐIỆN VÀ HÓA.
Tại sao chuyên ngành Điện hóa và bảo vệ kim loại lại là liên quan đến điện và lại liên quan đến hóa?
Trong các loại phản ứng HÓA HỌC có một loại phản ứng đó là phản ứng oxi hóa khử. Để phản ứng oxi hóa - khử xảy ra chúng ta cần phải có chất oxy hóa và chất khử. Trong quá trình phản ứng hóa học, chất oxy hóa là chất nhận điện tử (electron) và chất khử là chất cho điện tử. Trong khi đó nói đến ĐIỆN là phải nói đến dòng điện. Dòng điện chính là dòng chuyển dời có hướng của các hạt mang điện, và điện tử (electron) là một trong những loại hạt mang điện đó.
Vậy, nếu kết hợp được hai yếu tố hoặc là (i) chất oxy hóa với dòng điện hoặc là (ii) chất khử với dòng điện thì phản ứng oxy hóa khử có thể xảy ra mà không nhất thiết phải cần có đầy đủ cả chất oxy hóa và chất khử thì phản ứng hóa học mới có thể xảy ra được. Nếu kết hợp cả hai yếu tố ĐIỆN và HÓA nói trên thì sẽ có rất nhiều ứng dụng khác nhau trong sản xuất công nghiệp và cả trong nghiên cứu khoa học.
Chuyên ngành Điện hóa và Bảo vệ kim loại sẽ đào tạo về những lĩnh vực gì?
Công nghệ bề mặt: mạ điện (mạ vàng cho các bo mạch điện tử, mạ rohdi, bạc cho các đồ trang sức, mạ niken cho linh kiện ô tô xe máy, mạ đồng cho tượng hoặc các bo mạch điện tử, mạ kẽm cho các chi tiết cơ khí …), chế tạo lớp phủ vô cơ (cromat hóa, phốt phát hóa …), chế tạo lớp phủ hữu cơ (sơn điện di cho ô tô….), mạ nhúng nóng (mạ kẽm cho tôn, mạ kẽm cho dây thép…), nhuộm màu cho kim loại (nhuộm màu giả cổ, tạo màu trang sức…), các công nghệ xử lý bề mặt kim loại bằng phương pháp hóa học và điện hóa (anot hóa nhôm, đánh bóng inox, tạo hoa văn cho thiếc….).
Công nghệ sản xuất pin- ắc quy: pin sạc ion liti, ắc quy chì, ắc quy kiềm, pin mangan-kẽm, pin nhiên liệu, pin mặt trời….
Công nghệ điện phân sản xuất các hóa chất: sản xuất xút - clo, mangan đioxit điện giải (EMD), điện phân kim loại từ muối nóng chảy,
Công nghệ điện phân tinh chế kim loại: điện phân tinh chế vàng, bạc, đồng….
Các công nghệ chống ăn mòn kim loại (công nghệ bảo vệ catốt, bảo vệ anốt, sử dụng chất ức chế ăn mòn cho tàu thuyền, công trình biển (đường ống dẫn dầu, giàn khoan…), máy móc thiết bị làm bằng kim loại.
Công nghệ xử lý môi trường bằng phương pháp điện hóa: Thu hồi kim loại quý, đất hiếm từ rác thải điện, điện tử, xử lý nước thải….
Nghiên cứu khoa học và công nghệ: nghiên cứu về các vật liệu mới, năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường sử dụng phương pháp điện hóa.
Định hướng nghề nghiệp sau ra trường của sinh viên chuyên ngành Công nghệ Điện hóa và Bảo vệ kim loại là gì?
Tương ứng với các lĩnh vực mà sinh viên được đào tạo, sinh viên ra trường có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp tại các công ty sản xuất, các trung tâm nghiên cứu của các công ty và các viện nghiên cứu với tư cách là kỹ sư hoặc nghiên cứu viên. Các nhà máy sản xuất có liên quan như: Công ty SamSung, Công ty LG Electronics, Công ty nhôm Huyn Dai, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty pin ắc quy PINACO, Công ty Ắc quy Tia Sáng, Công ty Hóa chất Việt Trì, Công ty Honda Việt Nam, Công ty mạ kẽm Việt Vương, Công ty SUMITOMO, Công ty Luyện đồng Lào Cai…. Các Viện nghiên cứu: Viện Dầu khí Việt Nam, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới… Các công ty thương mại trong và ngoài nước cung cấp hóa chất, dây chuyền mạ, xử lý bề mặt kim loại. Các công ty tư vấn trong lĩnh vực điện hóa và bảo vệ kim loại…