TIN TỨC
Được thành lập từ năm 1961 cùng với lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, ngành Máy và Thiết bị Công nghệp Hóa chất hiện đang là ngành duy nhất ở Việt nam được đào tạo tại Trường Đại học Bách khoa Hà nội. Kỹ sư và Thạc sỹ chuyên ngành Máy và Thiết bị Công nghiệp Hóa chất tốt nghiệp tại Trường Đại học Bách khoa Hà nội được đào tạo bài bản, được trang bị đầy đủ các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về các quá trình công nghệ, về tính toán thiết kế, chế tạo và lắp đặt thiết bị trong các dây chuyền sản xuất ứng dụng trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất, dầu khí và các lĩnh vực công nghệ có liên quan.
Với phương châm đào tạo theo nhu cầu của xã hội dựa trên hai nền tảng cơ bản là bản chất các quá trình công nghệ và tính toán thiết kế, chế tạo, lắp đặt thiết bị, sinh viên ngành Máy và Thiết bị Công nghiệp Hóa chất luôn được lĩnh hội những cập nhật mới nhất về công nghệ và thiết bị không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất mà còn cả những ứng dụng của máy và thiết bị công nghiệp hóa chất trong các lĩnh vực khác như môi trường, thực phẩm, … Vì thế, các kỹ sư Máy và Thiết bị Công nghiệp Hóa chất có nhiều cơ hội làm việc không chỉ trong các nhà máy sản xuất mà còn có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp tư vấn thiết kế, và các đơn vị nghiên cứu không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài với những khả năng chính:
- Tính toán quá trình công nghệ và thiết kế thiết bị, hệ thống thiết bị trong một công đoạn hoặc dây chuyền sản xuất
(Hình 1. Kỹ sư Máy và Thiết bị Công nghiệp Hóa chất đang trao đổi về thiết kế thiết bị)
- Khảo sát, tính toán cải tiến các quá trình công nghệ và cải tiến thiết kế thiết bị
(Hình 2. Kỹ sư Máy và Thiết bị Công nghiệp Hóa chất tư vấn cải tiến thiết bị và dây chuyền công nghệ)
- Giám sát lắp đặt và quản lý việc vận hành thiết bị cũng như dây chuyền sản xuất
(Hình 3. Kỹ sư Máy và Thiết bị Công nghiệp Hóa chất giám sát lắp đặt thiết bị)
- Xây dựng mô hình toán học, mô hình hóa, tối ưu hóa và mô phỏng các quá trình công nghệ và thiết bị.
(Hình 4. Học viên cao học với bài toán mô phỏng thủy động học CFD)
- Triển khai nghiên cứu các quá trình tích hợp trong nhiều lĩnh vực sản xuất trong công nghiệp
Về đội ngũ Cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hiện tại Bộ môn Máy và Thiết bị Công nghiệp Hóa chất có 10 cán bộ bao gồm 9 cán bộ giảng dạy và 1 cán bộ kỹ thuật. Trong khối cán bộ giảng dạy có 2 Phó Giáo sư, 4 Tiến sỹ, 3 Nghiên cứu sinh (đang học tập và nghiên cứu để đạt học vị Tiến sỹ ở nước ngoài). Các Cán bộ của Bộ môn luôn luôn không ngừng nâng cao kiến thức trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học với các hướng nghiên cứu chính:
- Mô hình hóa và tính toán thiết kế chuyển quy mô từ phòng thí nghiệm ra quy mô công nghiệp các quá trình công nghệ và thiết bị trong kỹ thuật hóa học
(Hình 5. TS. Tạ Hồng Đức trong một nghiên cứu chuyển quy mô cho một dây chuyền sản xuất)
- Nghiên cứu phát triển và hoàn thiện kỹ thuật công nghệ tinh chế các hợp chất thiên nhiên ở quy mô công nghiệp.
(Hình 6. Cải tiến kỹ thuật tinh chế hợp chất thiên nhiên (Tinh dầu quế) – nghiên cứu của TS. Nguyễn Trung Dũng)
- Nghiên cứu phát triển các quá trình tích hợp có tính linh động cao ở quy mô vừa và nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội.
(Hình 7. Hệ thống thiết bị sản xuất khí ni tơ ở nhiệt độ thường theo công nghệ biến đổi áp suất PSA – một công trình nghiên cứu của PGS.TS. Vũ Đình Tiến ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như đóng gói thực phẩm, bảo quản lương thực thực phẩm, gia công kim loại, …)
- Đánh giá và tối ưu hóa tiêu hao năng lượng cho các quá trình công nghệ và nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
- Nghiên cứu động học các phản ứng hóa học và tính toán thiết kế các thiết bị phản ứng
- Thiết kế lắp đặt các nhà máy trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất – dầu khí
Địa chỉ liên lạc:
BỘ MÔN MÁY VÀ THIẾT BỊ CÔNG NGHIỆP HÓA CHẤT
VIỆN KỸ THUẬT HÓA HỌC – ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI
Số 1, Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà nội
Văn phòng Bộ môn: Phòng 311 nhà C3-4
Điện thoại: (024) 38692510
E-mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.