TIN TỨC
Vấn đề an ninh năng lượng hiện nay đang được chính phủ Việt Nam cũng như toàn thế giới đặc biệt quan tâm. Nguồn năng lượng hóa thạch sẽ cạn kiệt và dần thay thế bằng nguồn năng lượng tái tạo. Trong các nguồn năng lượng tái tạo, thì năng lượng từ nguồn sinh khối chiếm tỷ trọng lớn, và có thể ứng dụng trực tiếp thay thế các nhiên liệu hiện nay mà không phải thay đổi kết cấu các động cơ hiện có. Có rất nhiều công nghệ chuyển hóa năng lượng từ sinh khối thành nguồn năng lượng hữu ích, việc tìm ra công nghệ chuyển hóa nào có tính khả thi về kỹ thuật, cạnh tranh về kinh tế, và đáp ứng tiêu chuẩn môi trường là rất có ý nghĩa thực tiễn.
Việt Nam là nước nông nghiệp do vậy phụ phẩm nông nghiệp và chăn nuôi rất sẵn có. Theo khảo sát nguồn sinh khối nông nghiệp khoảng 60-150 triệu tấn/năm, chất thải từ hoạt động chăn nuôi khoảng 232,4 triệu tấn/năm. Ngoài ra chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam vào khoảng 19 triệu tấn/năm, trong đó chất thải rắn sinh hoạt đô thị ước tính khoảng 12,8 triệu tấn/năm. Đây là nguồn năng lượng rất tiềm năng và có giá trị cao. Nếu các nguồn năng lượng này có thể chuyển hóa thành nhiên liệu lỏng và điện thì có thể hoàn toàn thay thế được các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch hiện nay.
Phụ phẩm nông nghiệp và chăn nuôi
Nhóm sinh viên nghiên cứu Quá Trình & Thiết Bị Công Nghệ Hóa Học và Thực Phẩm (CH1 - Kỹ thuật Hóa học) đã và đang thực hiện “Mô hình hóa và ứng dụng mô phỏng trong phân tích năng lượng, kinh tế và môi trường các công nghệ chuyển hóa năng lượng tái tạo” nhằm đón đầu xu hướng trong nước và thế giới về an ninh năng lượng. Nhóm nghiên cứu sử dụng các Phần mềm Mô Phỏng hiện đại như Aspen Plus, Aspen Energy Analyzer, Aspen Economic Analyzer và nhiều công cụ hỗ trợ khác trong các nghiên cứu của mình.
Nguồn năng lượng sinh khối
Các công nghệ chuyển hóa năng lượng mà nhóm đang nghiên cứu phát triển và đánh giá tính hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường áp dụng trong điều kiện Việt Nam:
***Công nghệ khí hóa bã mía để sản xuất điện và nhiệt kết hợp
***Công nghệ nhiệt phân nhanh rơm để sản suất nhiên liệu lỏng
***Công nghệ lên men từ bã mía và tinh bột sắn để sản xuất cồn nhiên liệu
***Công nghệ đốt rác thải rắn sinh hoạt để sản xuất điện sạch
***Công nghệ thủy nhiệt siêu tới hạn bùn hữu cơ dùng dung môi là nước, methanol và ethanol để sản xuất nhiên liệu lỏng.
***Công nghệ thủy nhiệt áp suất thấp để sản xuất nhiên liệu rắn
(TS. Đỗ Xuân Trường - Viện KT Hóa học (HUST))