Hội chợ Công nghệ và thiết bị Quốc tế Việt Nam 2015 (Techmart 2015) là sự kiện lớn nhất năm của ngành khoa học công nghệ, thu hút hơn 750 đơn vị tham gia với 600 gian hàng. Trong đó có hơn 500 doanh nghiệp, 110 đơn vị uy tín, 22 trường đại học hàng đầu về công nghệ, 32 sở khoa học công nghệ, 57 nhà sáng chế không chuyên và các sản phẩm khoa học, công nghệ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Hội chợ do Bộ KH&CN, Ủy ban KH&CN ASEAN, UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức với chủ đề “Liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững", diễn ra từ 1-4/10/2015. Là một đơn vị hàng đầu về phát triển khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và đào tạo của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, VIỆN KỸ THUẬT HÓA HỌC đã tham gia 1 gian trưng bày những thành tựu nghiên cứu khoa học của các cán bộ giảng viên trong khu trưng bày chung của nhà Trường trong hội chợ.
Gian hàng của Viện KT Hóa học tại Techmart 2015
Với truyền thống gần 60 năm xây dựng và phát triển cùng với đội ngũ đông đảo các nhà nghiên cứu hàng đầu, các Giáo sư, Tiến sỹ trong lĩnh vực Hóa học, Viện KT Hóa học đã trưng bày nhiều thành tựu chất lượng cao không chỉ trong ý nghĩa khoa học mà còn trong ứng dụng thực tế. Trong các thành tựu tiêu biểu có thể kể đến: Công nghệ sản xuất các vật liệu Zeolit, Nanozeolit, vật liệu MQTB MSU-S và vật liệu tổ hợp micro-mesopore đã được nhóm nghiên cứu của PGS. Tạ Ngọc Đôn nghiên cứu thành công và triển khai ứng dụng có hiệu quả phục vụ nền kinh tế như ứng dụng vật liệu Zeolite trong chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản; Sản phẩm đã đạt hàng chục Huy chương vàng và giải thưởng Quốc gia, Quốc tế, 14 sáng chế và giải pháp hữu ích, 5 nhãn hiệu hàng hóa...
Vật liệu Zeolit, Nanozeolit, vật liệu MQTB MSU-S và vật liệu tổ hợp micro-mesopore
Thiết bị tạo khí Nitơ bằng chu trình hấp phụ thay đổi áp suất do nhóm nghiên cứu của TS. Vũ Đình Tiến cũng được các khách thăm quan đánh giá cao. Thiết bị hoạt động dựa trên đặc tính hấp phụ chọn lọc của sàng phân tử. Thiết bị gồm hai cột hấp phụ đổ đầy vật liệu sàng phân tử, làm việc luân phiên theo chu trình thay đổi áp suất trong đó có 1 cột ở chế độ hấp phụ và một cột ở chế độ tái sinh. Trong điều kiện không khí nén vào ở áp suất cao, Oxy sẽ bị hấp phụ vào mao quản của vật liệu sàng phân tử, còn Nitơ thì đi qua và thu được ở cuối cột. Khi giảm áp suất, Oxy sẽ bị nhả hấp phụ và cột được tái sinh.
Vinh dự trong đợt Techmart 2015 là sản phẩm Sơn vô cơ chịu nhiệt BKV của nhóm nghiên cứu của PGS. La Thế Vinh. Sản phẩm SƠN CHỊU NHIỆT BKV(sơn chịu nhiệt lên đến 1000oC) đã đạt được giải thưởng ( 1 trong số tổng số 63 giải thưởng tại Hội chợ, 1 trong 3 giải thưởng của Trường ĐH Bách Khoa HN) tại hội chợ Techmart 2015. Theo kết quả nghiên cứu, sơn có thể chịu nhiệt lên đến 1000oC, được dùng làm sơn phủ bảo vệ bề mặt các chi tiết, thiết bị bằng kim loại khỏi ăn mòn ở nhiệt độ cao và trong môi trường xăng dầu hoặc các dung môi hữu cơ như: Đường ống dẫn khí nóng, khí thải công nghiệp, ống xả xe hơi, xe gắn máy; các loại lò đốt, lò nung, hệ thống dây chuyền sấy công nghiệp, lọc điện, xyclon lọc bụi; thiết bị nồi hơi, nồi cô đặc; động cơ máy phát điện và các máy móc khi làm việc có phát sinh nhiệt....
PGS. La Thế Vinh nhận giải thưởng từ GS. Nguyễn Quân- Bộ trưởng Bộ KH Công nghệ
Có thể thấy các sản phẩm tham gia Hội chợ của các cán bộ, giảng viên của Viện KT Hóa học có giá trị khoa học, khả năng ứng dụng thực tế rất cao. Những thành tựu đó đã đóng góp 1 phần không nhỏ trong công cuộc phát triển khoa học công nghệ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước. Chúc các Thầy, Cô tiếp tục gặt hái những thành công trên con đường khoa học.