Ngành giấy là một trong những ngành được hình thành từ rất sớm khoảng năm 284 tại Việt Nam với sản xuất thủ công phục vụ cho việc ghi chép, làm tranh dân gian, vàng mã… Công nghiệp giấy Việt Nam bắt đầu phát triển từ năm 1912 khi nhà máy sản xuất bột giấy công nghiệp đầu tiên ở Việt Trì với công suất 4000 tấn/năm đi vào hoạt động. Đến nay cả nước có tổng sản lượng bột giấy đạt trên 2 triệu tấn/năm và giấy đạt trên 8 triệu tấn/năm, đáp ứng 64 % nhu cầu tiêu dùng trong nước, và được sản xuất tại trên 500 doanh nghiệp.
Với truyền thống đào tạo gắn liền với thực tiễn công nghiệp của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đào tạo Công nghệ Xenluloza và Giấy tại Viện Kỹ thuật Hóa học được liên tục nâng cao chất lượng. Sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản vững chắc, cập nhật công nghệ chuyên ngành tiên tiến và quan trọng hơn hết là vận dụng kiến thức liên ngành vào thực tế sản xuất công nghiệp. Bên cạnh các hỗ trợ sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, do yêu cầu cao của Công nghiệp giấy Việt Nam phát triển bền vững với công nghệ tiên tiến và bảo vệ môi trường, thì các doanh nghiệp ngành đã chủ động thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn giúp cho sinh viên có được kỹ năng thực tế toàn diện.
Mô hình đào tạo này đã được Viện Kỹ thuật Hóa học kết hợp cùng Viện Công nghiệp Giấy-Xenluylô và Công ty Giấy Vạn Điểm triển khai áp dụng thí điểm từ năm 2017 cho sinh viên chuyên ngành K57. Chương trình được doanh nghiệp, viện nghiên cứu và Bộ môn Công nghệ Xenluloza-Giấy phối hợp thiết kế giúp sinh viên chuyên ngành trong thời gian ngắn với vai trò như cán bộ kỹ thuật tập sự biết cách vận dụng từ kiến thức công nghệ sản xuất, kiểm tra nguyên vật liệu, kiểm định chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất cho đến quản lý môi trường, kinh doanh sản phẩm giấy, và tổ chức nghiên cứu phát triển… Với thời gian 3 tháng được tài trợ kinh phí từ doanh nghiệp, sinh viên đã được trang bị thêm những kiến thức thực tế công nghệ, kiến thức xã hội, và sẵn sàng làm việc trong môi trường công nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp. Chương trình đào tạo được thiết kế cho năm học cuối khóa, bao gồm giai đoạn 1 tại Viện Công nghiệp Giấy-Xenluylô và giai đoạn 2 tại Công ty Giấy Vạn Điểm. Kết thúc chương trình đào tạo, 100 % sinh viên đã được cấp chứng chỉ với nhiều kết quả khá giỏi và được hai đơn vị tham gia đào tạo tiếp nhận làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Nhiều sinh viên khác cũng được các doanh nghiệp trong Hiệp hội Bột giấy và Giấy Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận việc làm bởi nhu cầu nguồn nhân lực cho công nghiệp ngành hiện nay là rất lớn với các doanh nghiệp ngành đa dạng về loại hình và quy mô.
Một số hình ảnh hoạt động của chương trình liên kết đào tạo giữa Viện Kỹ thuật Hóa học với Viện Công nghiệp Giấy-Xenluylô và Công ty Cổ phần Giấy Vạn Điểm
Lễ ký hợp tác đào tạo nâng cao kỹ năng thực tế cho Sinh viên ngành Công nghệ Xenluloza và Giấy giữa Viện Kỹ thuật Hóa học, Viện Công nghiệp Giấy-Xenluylô, và Công ty Giấy Vạn Điểm ngày 03/3/2017 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Viện Công nghiệp Giấy-Xenluylô tổ chức đánh giá sơ kết giai đoạn 1 và khai mạc giai đoạn 2 tại Công ty Giấy Vạn Điểm ngày 1/4/2017
Sinh viên K57 và K58 ngành Công nghệ Xenluloza và Giấy nhận chứng chỉ thực tập tại Lễ tổng kết chương trình ở Công ty Giấy Vạn Điểm ngày 11/6/2017