Vị thuốc Hương phụ là một trong những dược liệu được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền Việt nam. Đây là loại dược liệu được chế biến từ thân rễ của loài củ gấu (Cyperus rotundus L.). Hiện nay, để phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu, vị thuốc có tên “hương phụ” ở Việt Nam chủ yếu được khai thác từ loài củ gấu biển (Cyperus stoloniferus Retz.).
Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế nước ta đã có các quy định về việc nhận dạng dược liệu cổ truyền từ nguyên liệu là thực vật với việc xây dựng các tiêu chuẩn từ nhận dạng cây, các bộ phận sử dụng đến việc đảm bảo chất lượng trong quá trình chuẩn bị nguyên liệu hay sản phẩm cuối cùng. Nếu không xác định được hoạt chất thì cần phải có dấu vân tay sắc ký để xác định chất hoặc hỗn hợp các chất. Chính vì vậy, những đóng góp hiểu biết mới về thành phần hóa học và sắc kỹ dấu vân tay của hai loài thực vật: củ gấu và củ cấu biển ở Việt Nam có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.
Trong luận án „Nghiên cứu thành phần hóa học và sắc ký dấu vân tay của thân rễ hai loài: củ gấu (Cyperus rotundus L.) và củ gấu biển (Cyperus stoloniferus Retz)“, hai loài củ gấu và củ gấu ở Việt Nam lần đầu được nghiên cứu một cách có hệ thống về thành phần hóa học và dấu vân tay sắc ký.
Từ thân rễ củ gấu đã phân lập và xác định được cấu trúc hóa học của 15 hợp chất trong đó có:
6 hợp chất thuộc lớp flavonoid (CR1-CR6), 5 hợp chất thuộc lớp chất stillbenoid (CR7-CR11), 2 hợp chất thuộc lớp chất terpenoid (CR12, CR13), 1 hợp chất thuộc lớp chất chromone (CR14), 1 hợp chất lignan (CR15). Trong đó, hợp chất (±)-3,5,6,7,8,4'- hexahydroxyflavane (CR1) là hợp chất mới lần đầu tiên được công bố; và có 6 hợp chất lần đầu tiên được phân lập từ loài C. rotundus L. là CR3, CR5, CR6, CR11, CR14, CR15. Từ củ gấu biển (Cyperus stoloniferus Retz.) đã phân lập và xác định được cấu trúc hóa học của 12 hợp chất, 7 hợp chất thuộc lớp flavonoid (CS1-CS7); 4 hợp chất thuộc lớp chất stillbenoid (CS8 – CS11); 1 hợp chất thuộc lớp chất terpenoid (CS12).
Trong số 12 hợp chất trên thì hợp chất CS1 ((S)-5,5',7-trihydroxy-2',4'-dimethoxy-6-methylflavanone hợp chất mới, lần đầu tiên được công bố; 11 hợp chất còn lại đều được phân lập lần đầu tiên từ loài C. stoloniferus Retz.
Trong số 12 chất này có 9 hợp chất trùng với chất phân lập được từ loài C. rotundus L.
Các điều kiện phân tích dấu vân tay sắc ký bằng HPLC đã được thiết lập. Các mẫu thân rễ củ gấu biển lấy từ các địa phương khác nhau có độ tương đồng cao (từ 0,9424 đến 0,9903). Vùng trên sắc ký đồ (từ phút thứ 8 đến phút thứ 20) được xác định phục vụ cho nhận dạng dấu vân tay sắc ký để có thể phân biệt hai loài. Các điều kiện định lượng 7 thành phần hoạt chất trong đối tượng nghiên cứu trên hệ thống HPLC được xây dựng dựa vào việc sử dụng các chất sạch đã phân lập được làm chất đối chứng.
Kết quả trên có thể phát triển tiếp theo hướng khảo sát hoạt tính sinh học của các chất phân lập được, đặc biệt là các chất mới và các chất có hàm lượng lớn để hiểu rõ hơn thành phần hóa học tạo ra hoạt tính của dược liệu Hương phụ. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng phần mềm chuyên dụng để so sánh, đánh giá độ tương đồng của các sắc ký đồ HPLC.
Hơn nữa, từ việc tiếp tục hoàn bộ dữ liệu sắc ký dấu vân tay này để có thể đánh giá phân tích chất lượng dược liệu Hương phụ dựa theo thànhphần hoạt chất chính. với các tiêu chí: sự khác nhau về thành phần hoá học của dược liệu ở các địa điểm và thời điểm thu hái khácnhau; ảnh hưởng của điều kiện thổ nhưỡng đến thành phần hoá học; sự thay đổi hàm lượng hoạt chất trong quá trình bảo quản, chế biến dược liệu; hàm lượng hoạt chất trong các sản phẩm đã bào chế.
Các kết quả nghiên cứu trên đã được NCS. Nguyễn Minh Châu, dưới sự hướng dẫn của TS. Trần Thượng Quảng và TS. Nguyễn Tiến Đạt, bảo vệ thành công tại Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ngày 17/3/2016.
Chúc mừng tân tiến sĩ.
Luận án và tóm tắt luận án có thể download tại đây