Cơ thể người cũng như động vật cần một lượng nhất định một số kim loại và amino axit để đảm bảo cho sự duy trì và hoạt động bình thường của cơ thể. Các kim loại và amino axit này cần được bổ sung qua con đường ăn uống. Trong khi amino axit luôn được hấp thu tốt thì việc bổ sung các kim loại cho cơ thể sống ở dạng muối vô cơ thường khó khăn. Do đó, sử dụng khả năng tạo phức của kim loại với các amino axit nhằm tăng khả năng hấp thụ và chuyển hóa của các kim loại đang là xu hướng được quan tâm.
Ở Việt Nam hiện nay, các sản phẩm bổ sung kim loại và amino axit dạng phức chất vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành rất cao và không chủ động về nguồn sản phẩm. Hiện nay, cũng chưa có công trình nào nghiên cứu về phức chất của các kim loại Zn, Fe, Cu, Mn với các amino axit thiết yếu HLys, HMet, HThr, HTrp và HVal.
Từ thực tiễn đó, đề tài „Nghiên cứu tổng hợp, tính chất và thăm dò khả năng ứng dụng của phức chất kẽm (II), sắt (III), đồng (II), mangan(II) với các amino axit thiết yếu“ đã có những đóng góp quan trọng.
Đã đưa ra quy trình để tổng hợp 15 phức chất đó là ZnLys2, ZnMet2, ZnThr2, ZnTrp2, ZnVal2, FeLys3, FeTrp3, CuLys2, CuMet2, CuThr2, CuTrp2, Cu2Val4, MnLys2, MnMet2 và MnVal2
Cấu trúc và tính chất của các phức chất được nghiên cứu bằng các phương pháp hiện đại như phân tích nguyên tố, phân tích nhiệt, MS, UV – Vis, IR, NMR, XRD và mô phỏng Gaussian.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khả năng hấp thu kim loại (Cu2+) qua thành ruột của động vật từ phức chất với các amino axit cao hơn so với từ muối vô cơ tương ứng (CuSO4). Điều này có ý nghĩa thực tế lớn khi nghiên cứu chế tạo các chế phẩm để cung cấp khoáng chất cho cơ thể.
Bước đầu chế tạo được vật liệu khung hữu cơ - kim loại trên cơ sở các kim loại sinh học và các amino axit (MZnTrp và MFeTrp) ở dạng tinh thể có các thông số (diện tích bề mặt riêng và kích thước lỗ xốp MZnTrp: 69 m2/g, 28Ao ; MFeTrp: 153m2 /g, 106 Ao) phù hợp với định hướng ứng dụng làm chất mang thuốc và mang khoáng chất không có khả năng tạo phức với amino axit là cần thiết, có ý nghĩ khoa học và tính thực tiễn cao. Đây là hướng nghiên cứu còn khá mới mẻ ở Việt Nam và cả trên thế giới, có triển vọng và hứa hẹn mang lại nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực y tế, sinh học,…
Các kết quả trên đã được NCS. Nguyễn Thị Thúy Nga, dưới sự hướng dẫn của PGS. TS Huỳnh Đăng Chính và PGS.TS Vũ Đào Thắng, bảo vệ thành công xuất sắc tại Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ngày 4/6/2015.